Hướng dẫn lắp đặt đồng hồ đo nước

Lắp đặt đồng hồ đo nước dạng điện tử

Hướng dẫn lắp đặt đồng hồ đo nước như thế nào chuẩn xác giúp người vận hành theo dõi dễ dàng được lưu lượng nước sử dụng trong thời gian nhất định? Hiện nay đây là vấn đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt là trong gia đình, phòng trọ. Chính vì thế, bài viết hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết, mời các bạn tham khảo nhé!

Tổng quát thiết bị đồng hồ nước là gì?

Đồng hồ nước là gì?
Đồng hồ nước là gì?

Đồng hồ nước hay còn gọi là đồng hồ đo nước, đồng hồ đo lưu lượng nước tiếng Anh là Water flow meter, là thiết bị được lắp đặt trong hệ thống với chức năng thống kê, đo lường lưu lượng nước tức thời hoặc lưu lượng tổng trong thời gian lắp đặt. Các thông số đo đạc sẽ được hiển thị chi tiết trên mặt đồng hồ nước.

Hiện nay, trên thị trường có 2 loại đồng hồ nước là đồng hồ đo nước dạng cơ và đồng hồ đo nước dạng điện tử. Với cấu tạo cơ bản gồm 3 bộ phận chính là thân đồng hồ, phần đếm số, mặt hiển thị giá trị đo. Ứng dụng để đo lưu lượng nước sạch, nước thải, hóa chất… trong các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất…

Hướng dẫn lắp đặt đồng hồ đo nước

Với đồng hồ đo lưu lượng nước, để đảm bảo vận hành ổn định, đo đạc chính xác, sai số thấp cần tuân thủ hướng dẫn lắp đặt chúng tôi đã tổng hợp dưới đây:

Bước 1: Khảo sát hệ thống lắp đặt

Khảo sát hệ thống lắp đặt đồng hồ nước
Khảo sát hệ thống lắp đặt đồng hồ nước

Đầu tiên, quý khách cần tìm hiểu, khảo sát sơ bộ về hệ thống, vị trí có nhu cầu lắp đặt các vấn đề sau:

  • Môi trường lưu chất cần lắp đặt để lựa chọn loại đồng hồ nước có chất liệu phù hợp.
  • Kích cỡ đường ống để lựa chọn đồng hồ nước có size đúng và loại đồng hồ nước phù hợp.
  • Vị trí lắp đặt có kết cấu như thế nào, kiểu kết nối lắp ren hay lắp bích?
  • Lưu lượng nước đi qua hệ thống đường ống có ổn định không? Nếu dòng chảy lưu chất không ổn định cần lắp đặt thêm các loại van hoặc thiết bị khác trước khi lắp đồng hồ.
  • Khảo sát nhu cầu đo đạc, kích cỡ hệ thống, vị trí lắp đặt  để lựa chọn đồng hồ nước dạng cơ hay đồng hồ đo nước điện từ.

Bước 2: Xác định vị trí lắp đặt đồng hồ nước và vệ sinh đường ống

Tiếp theo, cần xác định vị trí thích hợp nhất để lắp đặt đồng hồ nước trong hệ thống có nhu cầu sử dụng. Thông thường, đồng hồ nước sẽ nằm ở vị trí cách đầu nguồn máy bơm, bồn chứa tối thiểu 2m. Khoảng cách cụ thể tùy thuộc hệ thống lắp đặt mục đích đảm bảo đồng hồ không bị rung lắc hay chịu tác động mạnh từ các tác nhân bên ngoài.

Sau khi đã xác định được vị trí lắp đặt, tiến hành vệ sinh bề mặt tiếp xúc của đường ống và đồng hồ nước. Cụ thể là làm sạch đường ống, vị trí kết nối để loại bỏ tạp chất, rác thải, cặn bẩn, xi măng, cát bụi…Mục đích đảm bảo dòng chảy lưu thông ổn định, không bị tắc nghẽn. 

Lưu ý: Với hệ thống lắp đặt đồng hồ nước thải nên lắp đặt thêm lọc y để lọc rác phía trước đồng hồ.

Bước 3: Xác định cách lắp đồng hồ vào hệ thống

Bước kế tiếp, cần xác định kiểu dáng lắp đặt đồng hồ nước theo đúng kỹ thuật là lắp ngang, tuyệt đối không được lắp đứng hay lắp nghiêng. Phía trước của đồng hồ nước, đường nước vào phải cách 10D đường kính ống và phía sau của đồng hồ nước, đường nước ra cách 5D đường kính ống. Đoạn ống trước và sau thẳng ngang với chiều đồng hồ.

Phần mặt hiển thị của đồng hồ phải hướng lên trên để tiện lợi cho việc quan sát. Lưu ý không được lắp đặt đồng hồ nước ở vị trí có điện từ, điện trường mạnh vì các bộ phận bên trong đồng hồ sẽ bị hút đặc biệt là kim đồng hồ hệ quả dẫn đến kết quả đo đạc bị sai.

Tiếp đến là xác định chiều hướng lắp đặt đồng hồ theo hướng mũi tên được in nổi trên thân đồng hồ, phương vuông góc 90 độ so với mặt đất, tâm trục hướng thẳng lên trên. Chiều của dòng chảy phải đúng với chiều hướng mũi tên để cho kết quả đo đạc chính xác. Tuyệt đối không được lắp ngược lại vì như thế đồng hồ nước sẽ không quay hoặc quay ngược cho kết quả sai.

Bước 4: Lắp đặt đồng hồ nước

Đến bước lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước vào hệ thống, tùy thuộc vào loại đồng hồ sẽ có những cách lắp đặt tương ứng khác nhau. Cụ thể:

  • Đồng hồ đo nước dạng cơ
Lắp đặt đồng hồ đo nước dạng cơ
Lắp đặt đồng hồ đo nước dạng cơ

Đồng hồ đo nước dạng lắp ren

Loại đồng hồ này thường sẽ được thiết kế kích cỡ nhỏ hơn DN50, kiểu kết nối rắc co, được ứng dụng phổ biến trong các hộ gia đình, công trình nhỏ lẻ. Với các bước lắp đặt như sau:

Bước 1: Quấn băng keo non chắc chắn xung quanh phần chân ren của đồng hồ ở 2 đầu kết nối để làm kín, chống rò rỉ lưu chất.

Bước 2: Đặt đồng hồ vào vị trí lắp đặt trên đường ống, chiều hướng lắp đặt theo chiều mũi tên được in nổi trên thân van.

Bước 3: Tiến hành xoay, vặn khớp ren và dùng cờ lê và các dụng cụ khác để siết chặt mối nối giữa đồng hồ và đường ống.

Bước 4: Chạy thử nghiệm đồng hồ để kiểm tra xem có vấn đề gì không, có bị rò rỉ không để khắc phục kịp thời. Nếu không phát hiện vấn đề, đồng hồ chạy êm, mượt có thể đưa vào vận hành chính thức.

Đồng hồ đo nước dạng lắp bích

Đồng hồ đo nước dạng cơ lắp bích được thiết kế kích cỡ lớn hơn DN50 và thường được ứng dụng trong những hệ thống lớn hơn. Tuy nhiên về khâu lắp đặt sẽ phức tạp hơn dạng lắp ren vì phải cần thêm 1 bộ 2 mặt bích cùng size với đường ống, cụ thể các bước lắp đặt như sau:

Bước 1: Đặt mặt bích vào đường ống và đặt đồng hồ vào để kết nối đường ống sau đó cố định bằng ốc vít mặt bích của đường ống với đồng hồ bằng các bulong.

Bước 2: Tiến hành hàn điểm để cố định chắc chắn phần mặt bích. Tuyệt đối không được hàn kín tránh tình trạng hỏng đồng hồ do mối hàn dễ sinh nhiệt.

Bước 3: Đặt đồng hồ xuống và tiến hành hàn kín để đảm bảo làm kín, chống rò rỉ trong quá trình sử dụng. Khi các mối hàn nguội vệ sinh các bụi bẩn xung quanh và bắt đầu xỏ các bulong đai ốc để siết chặt đồng hồ. Tại giữa vị trí kết nối đường ống và đồng hồ cần đặt thêm gioăng đệm cao su để tăng khả năng làm kín, giảm ma sát, chống rò rỉ lưu chất.

Bước 4: Dùng các dụng cụ cần thiết để siết chặt mối nối, lưu ý phải dùng lực siết chặt đều tay. Mục đích tránh tình trang cong vênh, hư hỏng.

Bước 5: Kiểm tra, chạy thử nghiệm đồng hồ nước đã lắp đặt trước khi đưa vào chạy chính thức.

  • Đồng hồ đo nước dạng điện tử
Lắp đặt đồng hồ đo nước dạng điện tử
Lắp đặt đồng hồ đo nước dạng điện tử

Với loại đồng hồ này có thể lắp đặt dạng nằm ngang theo hình chữ U để đảm bảo đường ống lúc nào cũng đầy nước. Hoặc theo phương thẳng đứng có thêm van một chiều để đảm bảo khi tắt bơm thì nước vẫn được giữ lại bên trong đường ống, không bị chảy ngược lại. 

Ngoài ra, nguồn điện áp sử dụng phổ biến là 24V, 220V và hệ thống lắp đặt đồng hồ nước điện từ yêu cầu dòng chảy phải có tính dẫn điện với kích cỡ, quy mô lớn. Vì cơ chế hoạt động của loại đồng hồ này là sử dụng nguyên lý cảm biến điện từ để đo lưu lượng của môi chất chảy qua.

Các bước lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước điện tử:

Bước 1: Đặt mặt bích của đường ống lên và đặt đồng hồ vào hệ thống đường ống theo chiều mũi tên được in nổi trên thân đồng hồ.

Bước 2: Thực hiện hàn điểm để cố định mặt bích sau đó tiến hành hàn kín, chờ đợi mối hàn nguội, đặt gioăng cao su ở giữa và xỏ các bulong để kết nối đường ống và đồng hồ. 

Bước 3: Dùng các dụng cụ như cờ lê để siết chặt phần mặt bích của đường ống với mặt bích của đồng hồ. Chú ý siết chặt đều tay, đều lực để đảm bảo không bị cong vênh, hư hỏng hay rò rỉ.

Bước 4: Chạy thử nghiệm đồng hồ để kiểm tra xem có vấn đề gì không để khắc phục, xử lý trước khi đưa vào vận hành chính thức.

Một số lưu ý khi lắp đặt đồng hồ nước

Một số lưu ý khi lắp đặt đồng hồ nước
Một số lưu ý khi lắp đặt đồng hồ nước

Trong quá trình lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước, cần lưu ý một số vấn đề chúng tôi đã tổng hợp dưới đây:

  • Lựa chọn đồng hồ nước có kích cỡ, chất liệu, kiểu dáng phù hợp với kích thước đường ống và nhu cầu sử dụng của hệ thống.
  • Đồng hồ nước trước khi đưa vào lắp đặt phải kiểm tra thật kỹ lưỡng xem có vấn đề gì không. Tốt nhất nên chọn loại có thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, kiểm định rõ ràng.
  • Vị trí lắp đặt đồng hồ phải khô ráo, tránh nhiệt độ cao, tránh các tác động ngoại lực từ bên ngoài.
  • Với hệ thống nước thải có nhiều tạp chất, rác thải để lắp đặt đồng hồ đo nước cần lắp thêm lọc y hoặc rọ bơm phía trước để loại bỏ bớt cặn bẩn, rác thải trước khi lưu chất đi qua đồng hồ, tránh tắc nghẽn cho kết quả sai.
  • Đoạn đường ống phía trước và sau đồng hồ nước phải là đoạn thẳng, đoạn trước dài tối thiểu gấp 10 lần đường kính, đoạn sau tối thiểu 2 lần.
  • Khi lắp đặt nên để phần mặt đồng hồ hướng lên trên hoặc ở phía dễ dàng quan sát nhất.
  • Không nên lắp đặt đồng hồ phía sau các loại van điều tiết dòng chảy: van bướm, van cổng…
  • Nên lắp đặt đồng hồ theo chiều ngang và tránh xa các nguồn điện từ, điện trường.

Kết luận

Trên đây là những thông tin chi tiết về việc hướng dẫn lắp đặt đồng hồ đo nước các loại được chia sẻ bởi Tuấn Hưng Phát. Hy vọng sẽ giúp quý khách nắm được cách lắp đặt đồng hồ nước từ đó vận dụng vào thực tế nếu có nhu cầu lắp đặt. Ngoài ra nếu vẫn còn câu hỏi hoặc thắc mắc khác vui lòng để lại bình luận phía dưới bài viết, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.